Áp dụng tiêu chuẩn ASC: Khó khăn của hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ

Đối với doanh nghiệp, việc áp dụng tiêu chuẩn ASC cho vùng nuôi tương đối thuận lợi; nhưng với hộ nuôi quy mô nhỏ thì con đường tiến tới ASC vẫn còn khá xa.

Còn nhiều vướng mắc

Tính đến hết tháng 8/2013, cả nước đã có khoảng 26 vùng nuôi của doanh nghiệp đạt chứng nhận ASC. Doanh nghiệp với lợi thế về diện tích và kinh phí nên việc áp dụng và đạt chứng nhận tiêu chuẩn thuận lợi hơn. Tiêu chuẩn ASC dành cho mọi đối tượng nuôi cá tra, hướng tới bền vững không phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ.

Mặc dù việc áp dụng tiêu chuẩn ASC là tự nguyện nhưng với khó khăn chung của ngành cá tra hiện nay và đặc thù của các hộ quy mô nhỏ là sản xuất manh mún, diện tích ít. Nếu các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ áp dụng tiêu chuẩn ASC sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cá tra Thới An (Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết: "Hiện nay, HTX có 10 ha mặt nước nuôi cá, để hòa nhập vào thị trường châu Âu buộc lòng phải thực hiện các tiêu chuẩn của quốc tế đưa ra. Hiện, HTX đang có trong tay các chứng nhận SQF 1.000 cho vùng nuôi, áp dụng theo tiêu chuẩn GlobalGAP hy vọng để bán giá cao nhưng mấy năm gần đây giá cá có tăng đâu khiến người nuôi lao dốc theo. Bây giờ nếu áp dụng tiêu chuẩn ASC nữa thì thật là khó khăn vì phải bỏ ra chi phí lớn trong khi cá tra đang gặp rất nhiều khó khăn".

Áp dụng ASC, nhiều hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ gặp khó - Ảnh: Huy Hùng

Cũng trong tình trạng tương tự, ông Lâm Văn Thao ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), cho biết: "Chúng tôi bây giờ là những hộ nông dân nuôi theo kiểu nhỏ lẻ để bán cá cho doanh nghiệp, để giá tăng chút đỉnh, tối đa lắm thì áp dụng đến quy trình GlobalGAP. Áp dụng tiêu chuẩn chi phí tăng cao, trong khi bán cá cũng chẳng hơn gì so với nuôi bình thường. Hiện nay, công ty nào ký kết mua cá của nông dân thì chúng tôi nuôi theo yêu cầu của công ty đưa ra, nhưng công ty phải hỗ trợ vốn ban đầu là thức ăn, thuốc thủy sản và cuối cùng bao tiêu sản phẩm. Còn riêng cá nhân tôi, buộc nuôi theo tiêu chuẩn ASC thì tôi không đủ khả năng làm".

Chia sẻ với khó khăn của người nuôi cá, ông Trần Anh Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết: Những khó khăn chính khi áp dụng tiêu chuẩn ASC cho các hộ nuôi vừa và nhỏ là kinh phí cao, hộ nuôi không đủ điều kiện để làm. Bên cạnh đó, người nuôi có diện tích ao nuôi nhỏ lẻ, manh mún không có các vùng nuôi lớn như doanh nghiệp nên không đủ điều kiện để áp dụng tiêu chuẩn.

Mặt khác, khi hộ nuôi cơ sở áp dụng tiêu chuẩn này thì giá cá tra được dán nhãn ASC có cao hơn cá tra không được dán nhãn không, bởi điều này phụ thuộc vào doanh nghiệp thu mua. Vì vậy, phải có những giải pháp hợp lý khi áp dụng tiêu chuẩn này đối với các hộ nuôi quy mô nhỏ, ông Dũng cho biết thêm.

 

Đi tìm giải pháp

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Minh, Công ty TNHH NHONHO: "Doanh nghiệp có điều kiện về cơ sở vật chất như diện tích lớn, có hệ thống ao xử lý nước thải,... thì mới có thể áp dụng tiêu chuẩn ASC, còn người nuôi với diện tích nhỏ rất khó áp dụng tiêu chuẩn này. Cách tốt nhất là doanh nghiệp hỗ trợ người dân, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để người nuôi quy mô nhỏ có điều kiện áp dụng tiêu chuẩn này".

Ông Thái An Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, cho biết: "Để đạt được quy chuẩn ASC, trước hết những hộ nuôi riêng lẻ nên liên kết với nhau. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng nhằm giảm chi phí. Đại diện tổ chức ASC đã thông báo quy chế, quy định để chứng nhận ASC theo nhóm. Vì vậy, ngay từ bây giờ các hộ nuôi riêng lẻ nên thực hiện ngay việc liên kết để áp dụng cách chứng nhận ASC với chi phí thấp hơn.

Cùng quan điểm này, để tháo gỡ khó khăn cùng người dân, Chi cục Thủy sản An Giang cũng đề xuất cấp chứng nhận nhóm (bao gồm nhiều hộ nuôi). Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp khó khăn do công ty cấp chứng nhận chỉ cấp cho một cơ sở riêng lẻ, ông Trần Anh Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang chia sẻ.

Để sản phẩm cá tra tiếp tục vững bước trên thị trường thế giới thì việc tuân thủ và áp dụng tiêu chuẩn là điều tất yếu. Tuy nhiên, áp dụng tiêu chuẩn gì, áp dụng thế nào, lại là một bài toán khó cần sự tháo gỡ từ nhiều bên liên quan.

>> Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá kiêm Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: Trước khó khăn của các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ khi áp dụng tiêu chuẩn ASC, Hội và Hiệp hội đã vận động các hộ nuôi hợp tác với nhau thành những vùng nuôi có diện tích lớn hoặc các hộ phải phối hợp với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để thuận tiện hơn cho việc cấp chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm.

Quốc Minh - Hoàng Vũ

 
 

Phân loại tin: