Hội thảo tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Bến Tre

Ngày 20 tháng 3 năm 2013, Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD) và Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh đã chủ trì tổ chức hội thảo đánh giá tác động về biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo được tổ chức tại Bến Tre nhằm đánh giá thực trạng tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu của địa phương trong thích ứng biến đổi khí hậu. Qua Hội thảo này, các chuyên gia sẽ xác định nội dung, phạm vị xây dựng một dự án chung do IFAD tài trợ cho hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh
 
Tham dự Hội thảo gồm nhiều chuyên gia quốc tế của IFAD, một số Viện, trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các dự án do quốc tế tài trợ tại Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, nông nghiệp; lãnh đạo các sở, ngành của hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã dự chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo. Trong những năm gần đây mặc dù còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao nhưng Bến Tre đã có những bước phát triển khá tốt trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trên lĩnh vực xã hội, tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức; cả tỉnh hiện còn gần 17% hộ nghèo và cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
 

Từ năm 2008, tỉnh Bến Tre đã được IFAD và Chính phủ đầu tư thực hiện Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP). Dự án đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho người nghèo như trang bị kỹ năng, kiến thức thị trường để tạo việc làm; nâng cao năng lực cho các cấp trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội định hướng thị trường, xây dựng các chuỗi giá trị tạo cơ hội tham gia thị trường cho người nghèo; các xã vùng sâu, vùng xa được đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, giao thông nông thôn; cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh để thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỉ lệ giảm nghèo bình quân của các xã do Dự án tác động trên 2%/năm; giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, nhiều thách thức mới cũng đang xuất hiện; theo đánh giá, Bến Tre là một trong số ít các tỉnh bị tác động mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu; sự xâm nhập mặn, thời tiết bất thường, triều cương, khô hạn, bão lũ, dịch bệnh đang xãy ra với tần suất thường xuyên hơn, kéo dài hơn và ảnh hướng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân; 80% dân số của tỉnh sống chủ yếu bằng nông nghiệp nên mỗi tác động của biến đổi khí hậu đều ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn hộ nông dân tại 9 huyện, thành phố; nước mặn xâm nhập sâu, lâu ngày làm thiệt hại về đất đai canh tác, đời sống của người dân trở nên khó khăn hơn; Chính quyền và người dân chưa được trang bị sâu về kỹ năng, kiến thức thích ứng với biến đổi khí hậu; người dân chưa nhận thức rõ  hậu quả của tác động biến đổi khí hậu về lâu dài, chưa xây dựng được những kịch bản thích nghi với những thay đổi.
 

Hiện tại, thông qua sự hỗ trợ của Trung ương và một số tổ chức quốc tế, Bến Tre đã xây dựng được định hướng, chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng kế hoạch và danh mục ưu tiên, tổ chức thực hiện thí điểm một số mô hình giảm thiểu tác động ở phạm vi hẹp, chủ yếu là phần cứng (công trình, cấp nước, đê bao); chưa có dự án, chương trình nghiên cứu sâu, phân tích và dự báo về tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; đặc biệt chưa có dự án chuyên ngành hỗ trợ trực tiếp cho người dân thích nghi với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; người dân chưa được trang bị đủ những kỹ năng mềm để họ có thể tồn tại trong môi trường khí hậu thay đổi, thiếu điều kiện để chuyển đổi sản xuất, cây con giống phù hợp, hạn chế dịch bệnh.

Một số xã bị tác động mạnh bởi xâm nhập mặn, triều cương, thiên tai thì thiếu những công trình hạ tầng hoàn thiện để phát huy hiệu quả đất sản xuất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, hoa màu, cây ăn trái. Định hướng từ nay đến năm 2015 và đến 2020, Bến Tre sẽ tập trung nâng cao năng lực cho các cấp và người dân về ứng phó biến đổi khí hậu; nghiên cứu, đánh giá sâu về tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, nông nghiệp; thực hiện đồng b một số chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, nghiên cứu và xây dựng mô hình sinh kế thích ứng của người dân, phòng chống dịch bệnh; tiếp tục hoàn thiện một số công trình hạ tầng để giảm thiểu tác động và phát triển nông nghiệp bền vững thông qua nhiều nguồn vốn, chương trình khác nhau. Trong Hội thảo, các chuyên gia quốc tế, đại biểu các Ban quản lý dự án do quốc tế tài trợ, các chuyên gia nghiên cứu của các viện, trường thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã báo cáo, mổ xẻ, phân tích tác động của biến đổi khí hậu, chia sẻ cách làm của các dự án, thảo luận cơ chế điều phối, kết nối giữa Bến Tre và Trà Vinh trong phát triển thích ứng biến đổi khí hậu. Kết quả của Hội thảo là hai tỉnh đã đề xuất, gợi mở được một số nội dung, phạm vi phù hợp để đề xuất IFAD xây dựng Dự án thích ứng biến đổi khi hậu cho hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Sau Hội thảo, các chuyên gia của IFAD sẽ trực tiếp làm việc với các sở, ngành tỉnh và đi khảo sát thực địa tại Bến Tre và Trà Vinh để xây dựng khung Dự án. 

Tác giả bài viết: Vân Thảo, Photo: Bùi Ngọc

Nguồn tin: IPA Ben Tre

 

Phân loại tin: