HTX Thới An Gương sáng cho mô hình liên kết

" Giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho xã viên; Gắn kết, chia sẻ lợi ích hài hòa giữa người nuôi và DN, góp phần cho ngành sản xuất cá tra xuất khẩu phát triển bền vững, đó là điều chúng tôi tự hào đã làm được."
Đó là những bộc bạch của ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) trong buổi trò chuyền với phóng viên Tạp chí Thương mại thủy sản.
 
Pv. Xin ông nêu vắn tắt quá trình hoạt động và thành quả của HTX trong 8 năm qua

Khi thành lập vào năm 2003, HTX Thới An chỉ có 9 xã viên, góp  lại  được  500  triệu  đồng nhờ thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn mua cá giống về nuôi trên diện tích 3.000m2. Kết quả, thu hoạch 110 tấn cá tra thương phẩm, lợi nhuận 300 triệu đồng. Từ thắng lợi ấy, Ban Chủ nhiệm HTX mạnh dạn thuê thêm đất để mở rộng diện tích nuôi cá. 

Tuy nhiên, trong năm 2006, giá cá xuống thấp còn HTX lại bán cá qua hợp đồng mua bán, là hình thức ký kết mang nhiều rủi ro khi giá cá không ổn định, HTX bị lỗ 300 triệu đồng. Một số xã viên hoang mang không dám đầu tư nuôi tiếp. Mặc dù vậy, Ban Chủ nhiệm đã kiên trì phương thức chung  “lời  cùng chia,  lỗ cùng chịu”, kết hợp với sự năng động, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, tìm kiếm liên kết với DN để đầu tư phát triển, nên HTX đã vượt qua thời điểm khó khăn ấy. 

Đến nay, số xã viên của HTX tăng lên 20 hộ với số vốn điều lệ hơn 5,6 tỷ đồng. Năm 2011, ước đạt sản lượng khoảng 8.000 tấn cá tra nguyên liệu, tổng doanh thu gần 250 tỷ đồng.

HTX  còn  mở  thêm  một  số dịch vụ đầu vào cho xã viên như cung cấp thức ăn, thuốc thú y, các chế phẩm để nâng cao chất lượng  cá  với  giá  thấp  hơn  so với thị trường từ 10 – 20%. Chỉ tính riêng phần thức ăn cho cá, xã viên đã được lợi gần 200.000 đồng/tấn  từ  hoạt  động  dịch vụ này. Bên cạnh đó, HTX còn thường xuyên tập huấn kỹ thuật nuôi cá sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời mở rộng thêm nghề ương nuôi cá giống, vận  chuyển  đường  sông,  hình thành đội đánh bắt cá tra, thu hút thêm trên 200 lao động thường xuyên và không thường xuyên. Thu  nhập  thường  xuyên  bình quân của lao động ở HTX Thới An đạt hơn 3 triệu đồng/tháng. 

Bên cạnh đó, HTX cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội,  đóng  góp  cho  cộng  đồng như quỹ nhà tình thương, quỹ khuyến học, cầu đường,…

Với những kết quả  đạt được, HTX  đã  vinh  dự  được  nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền trong những năm vừa qua như Giấy khen của UBND quận Ô Môn (các năm 2006, 2007, 2008), Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam (năm 2007, 2008), Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Cần Thơ, Bằng khen của TW Hội Nông dân Việt Nam (năm 2007, 2008), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011.

Pv.Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thành công của HTX?

HTX đã tạo dựng được mối liên kết ở hai hình thức. 

Thứ nhất là liên kết ngang, bằng cách tập hợp những hộ nuôi cá để thành lập HTX có tư cách pháp nhân để hoạt động nhằm giảm giá thành sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho xã viên, góp phần tăng thu nhập. 

Thứ hai là sự gắn kết giữa HTX với DN (Công ty cổ phần Hùng Vương). Đây là quan hệ liên kết dọc trong sản xuất và tiêu thụ cá tra, nhờ đó chúng tôi rất an tâm sản xuất, không lo đầu ra, vì đã có DN đầu tư thức ăn, con giống, thuốc thú y, bao tiêu sản phẩm. Mặc dù trên thị trường đôi khi xảy ra tình trạng “khủng hoảng thừa – thiếu”, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, hộ nuôi cá riêng lẻ bị lỗ nặng, nhưng xã viên của HTX vẫn thu được lợi nhuận từ 1.500 - 2.000 đồng/kg cá thương phẩm.

Pv. Theo ông, DN có nên khép kín quy trình?

Hiện nay, một số DN có năng lực cao hoạt động sản xuất khép kín từ khâu con giống đến chế biến XK, chẳng hạn, Công ty Vĩnh Hoàn hay Công ty Cổ phần Hùng Vương,…Tuy nhiên, tôi nghĩ, DN không nên khép kín hoàn toàn quy trình, mà nên tiếp tục duy trì một tỷ lệ thích hợp mối liên hệ giữa DN và người nuôi. Nông dân sản xuất, DN lo thị trường, mỗi bên phát huy thế mạnh của mình và cùng được chia sẻ lợi ích. “Ai lo việc nấy” thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Pv. Khó khăn lớn nhất của ngành cá tra hiện nay là gì?

Đó là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, mối liên kết còn lỏng lẻo. Do đó, để tập trung nguồn nguyên liệu, lôi kéo sự đầu tư của DN, nối kết người nông dân với thị trường,  quan  tâm  nghiên  cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào nông nghiệp hiệu quả hơn, đưa ngành “sản xuất triệu đô” phát triển bền vững, việc xây dựng mối liên kết “bốn nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà nông) là rất bức thiết và cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, các DN chưa thật sự ngồi lại với  nhau để tìm tiếng nói chung trong việc mang lại lợi ích cho cả ngành cá tra và cho  đất nước, đây cũng là trở ngại đối với phát triển bền vững. Không thể chấp nhận  tình trạng mỗi người bán một giá, một kiểu  chất  lượng  riêng,  cạnh  tranh  không  lành mạnh với nhau tạo cơ hội cho các tập đoàn nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, chia rẽ nội bộ giữa các DN và người nuôi nước ta.

Pv. Xin ông cho biết vài nét về hướng hoạt động sắp tới của HTX Thới An

Đạt được kết quả như hôm nay, HTX rất phấn khởi, nhưng chúng tôi vẫn chưa hài lòng và không hề “ngủ quên trong chiến thắng”.  Trong  tương  lai  HTX sẽ tiếp tục đầu tư thêm vốn, kỹ thuật sản xuất cá tra nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng, hạ giá thành sản xuất, giữ và tạo niềm tin với các đối tác truyền thống, chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết các hợp đồng mới cung cấp thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm của HTX.

Điều làm chúng tôi trăn trở nhiều nhất là tình trạng đổ xô ương giống tràn lan, chạy theo lợi nhuận, không áp dụng quy trình kỹ thuật, đưa cá tra giống kém chất lượng ra thị trường, không rõ nguồn gốc, tỷ lệ sống thấp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả nuôi, uy tín và hình ảnh con cá tra Việt Nam cũng suy giảm theo. 

HTX dự định đầu tư xây dựng trại giống cá tra theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P, bảo đảm chất lượng, VSATTP, mong muốn cung cấp con giống tốt, sạch bệnh, được kiểm soát chặt chẽ và tăng hiệu quả cho cả người sản xuất giống, người nuôi thương phẩm và cho ngành chế biến và XK cá tra Việt Nam, …

Pv. Xin cảm ơn ông. 

                                      T.N.B.N
 
 

Phân loại tin: