Liên minh tôm sạch - Bước khởi động cho thương hiệu tôm Việt

Các trang trại nuôi tôm lớn nuôi tôm theo chuẩn châu Âu (ASC) sẽ là những nhân tố tích cực góp phần quan trọng vào thành công của thương hiệu tôm Việt Nam.

 

Tại Diễn đàn xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam được tổ chức tại Bạc Liêu vừa qua. Trong số các mô hình, giải pháp được trình bày, có thể thấy mô hình thành lập Liên minh Sản xuất tôm sạch và bền vững Việt Nam do UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chương trình SeafoodWatch và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) thực hiện, được ví như sự khởi động cho quá trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.

Việc thành lập Liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững tại Việt Nam, theo TS. Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, là hoạt động góp phần tạo thuận lợi cho Chương trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong mục tiêu phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại giá trị lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.


Những mô hình liên kết sản xuất tôm sạch đạt chuẩn quốc tế và bền vững sẽ là bước đi đầu tiên tiến tới hình thành các liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững.

Theo ông Josh Madeira, chuyên gia của SeafoodWatch, phụ trách chính sách bảo tồn biển, người tiêu dùng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á đều xem hương vị, độ tươi, lợi ích về mặt sức khỏe và an toàn thực phẩm là những vấn đề hàng đầu cần xem xét khi mua hải sản. Trong đó, Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản luôn có các yêu cầu bắt buộc về an toàn thực phẩm. Không những thế, hơn 90% thị trường bán lẻ Bắc Mỹ và 75% nhà bán lẻ EU còn yêu cầu thủy, hải sản bền vững môi trường. Vì vậy, hơn 60 công ty và nhà bán lẻ thủy sản lớn cùng hợp tác để áp dụng các tiêu chuẩn công nghiệp trên toàn thế giới về truy xuất nguồn gốc hải sản, như: sản phẩm đạt chứng nhận ASC, không có kháng sinh, truy xuất nguồn gốc và tác động trung tính vào môi trường nước. Do đó, việc xây dựng và hình thành liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững Việt Nam không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là nâng cao giá trị và cơ hội thị trường cho tôm Việt Nam.

Theo đó, liên minh này tạo ra được một chuỗi liên kết tôm thực chất và hiệu quả mà qua đó các thành viên cùng hướng đến một chuỗi liên kết sản xuất tôm có trách nhiệm (với sản phẩm của mình, với xã hội, với môi trường) và hướng đến một chuỗi sản xuất tôm bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Liên minh cũng sẽ tạo ra sản phẩm tôm đạt chứng nhận quốc tế (chứng nhận BAP, ASC, ASIC, WholeFood, EUBio, Naturland…) để có thể tiêu thụ trên khắp các thị trường thế giới với giá cao hơn. Đây cũng là cơ sở xây dựng niềm tin trong các thành viên của liên minh và khi đã có niềm tin, những khâu, công đoạn trung gian vô ích sẽ được cắt giảm, giúp cho chuỗi giá trị tôm giảm được chi phí, giảm được giá thành để tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm và mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các thành viên tham gia liên minh. Ngoài ra, liên minh còn tạo ra những giá trị khác biệt về: xã hội, môi trường và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Các thành viên liên minh và các bên hữu quan sẽ hợp tác để xây dựng chuỗi sản xuất tôm theo chuẩn về bền vững môi trường, tăng cường cơ hội kinh tế và bảo vệ sinh kế của thế hệ kế tiếp. Thành viên liên minh sẽ hoàn thiện chuỗi nuôi trồng và chế biến thủy sản theo Chuẩn bền vững môi trường Vàng và Xanh của SeafoodWatch và các chuẩn quốc tế tương đương khác vào năm 2021. Để đảm bảo mục tiêu này, các thành viên liên minh sẽ đảm bảo tôm sản xuất đạt một trong các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế về bền vững môi trường; không sử dụng kháng sinh và các chất cấm theo quy định của Việt Nam và các tiêu chuẩn và quy định của thị trường nhập khẩu mà các thành viên cam kết tuân thủ; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, bao gồm cả nguồn gốc thức ăn chăn nuôi và không ảnh hưởng đến nguồn nước, bảo vệ rừng ngập mặn. Tiến tới xây dựng thương hiệu và các chương trình Marketing quốc tế cho sản phẩm tôm sạch và bền vững được nuôi trồng, chế biến bởi các thành viên liên minh. Thể hiện trách nhiệm xã hội qua việc xây dựng quy tắc ứng xử, hợp đồng với nông dân và các chương trình khác đảm bảo chia sẻ lợi ích và đảm bảo sinh kế của người dân. Thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên liên minh đại diện cho nông dân, hợp tác xã, đơn vị chế biến, nhà cung cấp đầu vào và các cơ quan chính quyền để đảm bảo sản xuất đạt chuẩn và kỳ vọng của thị trường quốc tế và trong nước về chất lượng, bền vững môi trường, trách nhiệm xã hội, và truy xuất nguồn gốc. Phối hợp với các đối tác khác bao gồm các đơn vị tư vấn kỹ thuật, người mua, các công ty công nghệ, ngân hàng, công ty bảo hiểm… để tận dụng thông tin cập nhật, các công cụ, nguồn tài trợ và năng lực của các đối tác để đáp ứng yêu cầu thị trường và phát triển mô hình kinh doanh thành công.

Đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của sự ra đời liên minh tôm sạch và bền vững đến Chương trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, TS. Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh: “Liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững được ký kết tại Cà Mau vừa qua đã tập hợp được tất cả các bên trong ngành tôm theo chuỗi liên kết ngang và liên kết dọc, tạo thành một chuỗi liên kết sản xuất tôm hoàn chỉnh. Đây là tiền đề rất tốt cho Chương trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam mà chúng ta đang triển khai thực hiện. Song song với hoạt động của liên minh cũng cần có thêm sự hỗ trợ để các doanh nghiệp xây dựng cho mình một thương hiệu vững mạnh. Khi có nhiều thương hiệu doanh nghiệp vững mạnh, chúng ta sẽ xây dựng thành sức mạnh thương hiệu quốc gia”.

 
 
 

Phân loại tin: