RECERD hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc tôm nuôi đối với hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ ở Đồng bằng Sông Cửu Long

06/08/2011 
Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc tôm nuôi đối với hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ luôn là một thách thức lớn đối với các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) từ trước đến nay, hiện đa số việc truy xuất nguồn gốc chỉ thực hiện đối với các cơ sở nuôi tôm quy mô lớn hoặc những đơn vị được tổ chức tốt do các doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư.
 
 
Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của Dự án”Thúc đẩy thực hành nuôi tốt và chứng nhận nuôi thủy sản bền vững đối với các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ” do WWF tài trợ, Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc tôm nuôi đối với hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ ở ở Sóc Trăng và Cà Mau. Ông Tưởng Phi Lai, đại diện RECERD tham gia nhóm chuyên gia xây dựng hệ thống này.
 
Từ ngày 01-03 tháng 8 năm 2011, Nhóm chuyên gia đã làm việc với Cty CP Chế biên Thủy sản Út Xi; Phòng NN và PTNT huyện Mỹ Xuyên và Hợp tác xã (HTX) Hòa Nhờ A, Hòa Tú 2 huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng để bàn bạc và thiết kế hệ thống thống truy xuất nguồn gốc tôm nuôi đối với hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ đối với 15 HTX, tổ hợp tác và câu lạc bộ nuôi tôm ở 2 tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng, vùng ĐBSCL. Trước đó, vào tháng 6 năm 2011, một hội thảo về truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững nuôi tôm vùng ĐBSCL cũng được WWF hỗ trợ tổ chức ở Cà Mau.
 
“Thách thức lớn nhất đối với các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ ở Đồng bằng Sông Cửu Long là họ chưa có thói quen ghi chép và cũng chưa nhận thức đầy đủ những lợi ích của việc ghi chép mang lại”. Ông Tưởng Phi Lai phát biểu. Tuy nhiên, hệ thống truy xuất nguồn gốc có khả thi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đơn giản song lại phải đảm bảo tính logic, hợp chuẩn của hệ thống, đồng thời có thể làm tăng giá trị của sản phẩm, cả trước mắt cũng như lâu dài. Ông Bùi Hoàng Mít, chủ nhiệm HTX Hòa Nhờ A, Hòa Tú 2 huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng phát biểu “có những vấn đề nằm ngoài khả năng kiểm soát của nông dân chẳng hạn như lượng kháng sinh tồn dư trong thức ăn, trong nước đá bảo quản, việc tiêm chích tạp chất trên đường vận chuyển hay rủi ro có kháng sinh trong quá trình sơ chế biến v.v.. thì theo dõi và kiểm soát ra sao luôn là một thách thức lớn, chúng tôi hy vọng Dự án có thể thiết kế một hệ thống tốt hạn chế các vấn đề này giúp nông dân yên tâm chứng minh sản phẩm của mình làm ra an toàn”.
 
Dự án ”Thúc đẩy thực hành nuôi tốt và chứng nhận nuôi thủy sản bền vững đối với các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ” sẽ kết thúc vào giữa năm 2012. Một trong những mục tiêu của dự án là áp dụng Thực hành Quản lý tốt (BMP), thực hiện truy xuất nguồn gốc và  ít nhất có 03 HTX nuôi tôm ở Cà Mau và Sóc Trăng đạt chứng chỉ nuôi tôm bền vững (theo tiêu chuẩn ShAD) của Hội đồng Nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC).
 
Để biết thêm thông tin về dự án cũng như dự thảo hệ thống truy xuất nguồn gốc, xin vui lòng liên hệ với Ông Tưởng Phi Lai qua email: lai.recerd@gmail.com.
 
Tưởng Phi Lai
 

Phân loại tin: