Ưu thế của việc quản lý các chuỗi giá trị toàn cầu tác động đến các nhà sản xuất tôm Việt Nam

Công trình nghiên cứu của các tác giả đã đánh giá những tác động từ các tiêu chuẩn của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đối với khả năng tiếp cận các thị trưởng XK của các nhà sản xuất và chế biến thủy sản Việt Nam. Chính Phủ Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc quản lý thương mại thủy sản quốc tế, nhưng các nước NK cũng thiết lập những tiêu chuẩn về ATTP và tham gia vào quá trình này còn có các tổ chức phi chính phủ..

 

Ưu thế của việc quản lý các chuỗi giá trị toàn cầu tác động đến các nhà sản xuất tôm Việt Nam
Các chính phủ ở bắc bán cầu đã quan tâm đến ATTP và ảnh hưởng về sức khỏe người tiêu dùng liên quan đến tiêu thụ thủy sản. Trong khi đó các tổ chức phi chính phủ đã gây sức ép về trách nhiệm mặt xã hội và môi trường đối với sản xuất và buôn bán thủy sản trên toàn cầu. Công trình nghiên cứu của các tác giả trên đã đánh giá những ảnh hưởng từ các tiêu chuẩn của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đối với khả năng duy trì thâm nhập các thị trưởng XK có giá trị của các nhà sản xuất và chế biến thủy sản Việt Nam.
Công trình nghiên cứu được tiến hành ở Việt Nam
Lãnh đạo nhóm nghiên cứu đã dành 6 tháng để tiến hành phỏng vấn người nuôi tôm, các nhà chế biến, các nhà XK và các cán bộ quản lý nhà nước trong năm 2009 và 2010. Việc đi thực tế tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bến Tre và Sóc Trăng thuộc vùng ĐBSCL, khu vực sản xuất tới 75% sản lượng tôm của Việt Nam.Phương pháp tiếp cận chung là truy xuất lại quá trình di chuyển của con tôm và những thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó một đầu là người nuôi, còn đầu kia là những nhà NK ở vùng công nghiệp phương bắc. Cơ cấu chuỗi giá trị đòi hỏi phải xem xét một cách có hệ thống những vấn đề thuộc về quản lý, tạo nên những mối quan hệ giữa các đối tượng, mà ở đây là những người nuôi tôm, các nhà cung cấp đầu vào, đầu nậu, các nhà chế biến, các nhà XK và các nhà NK. Việc quản lý bao gồm cả điều kiện thị trường và phi thị trường của các hoạt động kinh tế.
Việt Nam là một trường hợp đáng quan tâm trong việc tìm hiểu những tác động của các rào cản phi thuế quan đối với TMTS. Đây là một nước nghèo đang trong thời kỳ quá độ chuyển sang nền kinh tế thị trường với những tổ chức thị trường còn yếu kém và năng lực tài chính, công nghệ và quản lý còn thấp so với các nước XK thủy sản khác trong khu vực. Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, năm 2009 Việt Nam sản xuất 383.000 tấn tôm, trên diện tích 650.000 ha ao nuôi, đạt giá trị XK 1,5 tỷ USD. Nhật Bản và Mỹ chiếm tới 70-80% tổng XK tôm từ Việt Nam trong gần một thập kỷ qua.
Bốn giai đoạn chức năng
Chuỗi giá trị toàn cầu đối với tôm ở Việt Nam có thể chia ra làm 4 giai đoạn chức năng sau: cung cấp dịch vụ đầu vào - nuôi lớn - thu hoạch - chế biến và XK. Mỗi giai đoạn có sự tham gia của các nhóm đối tượng hoạt động khác nhau và độc lập với nhau. Các đối tượng chủ chốt được xác định rõ trong Hình 1. 
 
Sản xuất tôm
Sản xuất tôm ở Việt Nam chủ yếu là do hơn 250.000 hộ gia đình nông dân quy mô nhỏ thực hiện, với các phương pháp nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Đồng thời cũng có khoảng 80.000 nhà sản xuất tôm theo phương pháp thâm canh (công nghiệp) và bán thâm canh, những thành phần này chiếm khoảng 10-15% diện tích ao nuôi.
Những điểm khác nhau cơ bản giữa hoạt động nuôi thâm canh và quảng canh là việc thả giống sản xuất nhân tạo, liên quan đến các khoản đầu tư cho đầu vào và những hoạt động quản lý. Nuôi theo phương pháp quảng canh truyền thống không có việc thả giống sản xuất nhân tạo, trong khi đó các hệ thống nuôi quảng canh cải tiến được thả giống với mật độ tối đa 5 con/m2
Những hệ thống nuôi này thường có năng suất thu hoạch thấp 230-450kg/ha/năm.Các hệ thống nuôi bán thâm canh và thâm canh có mật độ thả giống cao hơn từ 6-20con/m2 trong hệ thống bán thâm canh và 21-80con/m2 hoặc cao hơn ở các hệ thống nuôi thâm canh, do vậy năng suất cao hơn, đạt tương ứng 1,5 và 3,5 tấn/ha/năm.
Cung cấp đầu vào
Cung cấp đầu vào gồm có các cơ sở sản xuất tôm giống, các nhà cung cấp thức ăn và thuốc thú y, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Hầu hết các cơ sở tôm giống ở Việt Nam sản xuất tôm sú giống  Penaeus monodon, chỉ có số ít cơ sở sản xuất tôm chân trắng giống Litopenaeus vannamei. Hiện nay có trên 4.000 cơ sở sản xuất tôm giống, hàng năm sản xuất 25-30 triệu con giống.
Thức ăn và thuốc thú y là những đầu vào quan trọng đối với nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Hiện nay có 53 nhà sản xuất thức ăn cho tôm và 105 công ty được phép cung cấp thuốc thú y và hóa chất cho 1.799 cửa hàng phục vụ người nuôi tôm. Sử dụng những đầu vào này phần lớn chỉ hạn chế đến các nhà nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh.
Theo hầu hết các báo cáo, thiếu vốn đang là một trong những trở ngại cho sản xuất, nhất là đối với các nhà sản xuất quy mô nhỏ. Đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, hầu hết người nuôi tôm đều phải phụ thuộc vào những người cho vay vốn hoặc những nhà cung cấp đầu vào ở địa phương, những người này thường đòi lãi suất rất cao.
Thu hoạch tôm
Vùng ĐBSCL có rất ít đường bộ, phần lớn người thu mua nhỏ lẻ đi lại bằng thuyền giữa các trại nuôi để thu mua tôm và từ mỗi trại nuôi họ chỉ mua được khoảng 10-20 kg tôm. Những người thu mua này bán lại cho các nhà thu mua khác và sau đó tiếp tục bán trao tay tiếp, vì vậy tôm có thể trao tay khoảng 5 lần trước khi đến được nhà bán buôn, đây là người cung cấp tôm cho các nhà máy chế biến.
Sự kết hợp các yếu tố như nhiều nhà sản xuất nhỏ bán ra nhiều lô tôm có khối lượng nhỏ cho nhiều người thu gom để cung cấp cho nhiều đầu nậu và cho nhà bán buôn khiến việc truy xuất nguồn gốc đối với tôm cho nhà chế biến là một việc khó có thể thể thực hiện trong thực tế.
Chế biến và XK
Các nhà máy chế biến ở Việt Nam thường kết hợp với các công ty XK. Các công ty chế biến và XK thường liên kết với 5-15 nhà bán buôn. Trong số 479 công ty chế biến và XK thủy sản có giấy phép của nhà nước thì 100 công ty hàng đầu đã chiếm 99% tổng XK tôm trong năm 2010. Để giữ vững vị trí thâm nhập thị trường quốc tế, các công ty này phải nắm được các tiêu chuẩn do khách hàng đề ra hay những tiêu chuẩn theo yêu cầu của họ và các công ty phải chấp nhận hệ thống chứng nhận để tránh rủi ro về ATTP và những chỉ trích liên quan đến các quy trình sản xuất không có trách nhiệm về môi trường và xã hội.
Các nhà XK hiểu rằng toàn bộ lô hàng có thể bị từ chối nếu chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh và nhiều tiêu chuẩn khác. Còn các nhà NK tôm lại chú trọng đến ý thức của người tiêu dùng và các tiêu chuẩn quản lý ngày càng khắt khe hơn khi đàm phán với các nhà chế biến và XK.
Quản lý trong các chuỗi giá trị
Chính phủ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý XK thủy sản ra thị trường quốc tế, nhưng quyền lực thực tế lại nằm trong tay các đối tượng thuộc các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nằm ngoài Việt Nam. Các nước NK có quyền thiết lập và buộc thi hành các tiêu chuẩn VSATTP. Gần đây, các tổ chức phi chính phủ đã tham gia vào các vấn đề về TMTS, như Quỹ Bảo tồn Động vật Hoang dã (WWF) đang quảng bá cho các hệ thống chứng nhận dựa trên cơ sở thị trường, nhiều tổ chức khác ủng hộ cho các biện pháp quản lý và đồng quản lý để giải quyết các vấn đề về ATTP và các vấn để về kinh tế xã hội có liên quan đến ngành tôm.
Các tổ chức trong ngành thủy sản như Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA), Global GAP ở Đức và một số nước khác và Tập đoàn Bán lẻ Anh (BRC) đã cộng tác chặt chẽ với các nhà bán lẻ lớn như Walmart để xúc tiến cho việc chấp nhận các hệ thống chứng nhận, nhằm đảm bảo với người tiêu dùng rằng các sản phẩm mà họ ăn là an toàn và được sản xuất một cách có trách nhiệm về môi trường và xã hội.Quỹ Bảo tồn Động vật Hoang đã có báo cáo đầy đủ của trên 30 chương trình khác nhau về chứng nhận nuôi trồng thủy sản do các tổ chức trong ngành và các tổ chức phi chính phủ khác xây dựng. Theo đánh giá của nhiều nhà XK Việt Nam, những tiêu chuẩn không thống nhất này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc kinh doanh của họ. Để đảm bảo việc tiếp cận thị trường, các nhà chế biến - XK ở Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng và các hệ thống chứng nhận mà khách hàng chấp nhận. Về vấn đề này, các tiêu chuẩn chứng nhận của các tổ chức phi chính phủ chỉ ảnh hưởng đến các nhà chế biến - XK chứ không phải với đối tượng nào khác trong chuỗi giá trị toàn cầu ở Việt Nam.
Ý nghĩa về ATTP và kinh tế xã hội
Nền kinh tế thế giới được tổ chức thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu, xuyên qua các quốc gia về mặt địa lý và được liên kết, phối hợp và thống trị bởi những chủ thể đầy quyền lực, trong đó có các tập đoàn tư nhân và các tổ chức chính phủ. Nhà nước Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng các chuỗi giá trị tôm, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu thị trường nhằm giữ vững vị trí trên thế giới.
Các thị trường nước ngoài ngày càng khắt khe hơn đối với các tiêu chuẩn thủy sản, các mạng lưới chính phủ đã thành lập những hệ thống giám sát và thanh tra nghiêm nghặt trong việc quản lý các đối tượng tham gia vào các chuỗi giá trị tôm. Trước đây, Việt Nam là nền kinh tế kế hoạch tập trung với “chính phủ quyền lực” đã tạo ra tiềm năng kiểm soát mạnh mẽ của nhà nước đối với các tiêu chuẩn XK, nhưng những tiềm năng này lại chưa được hiện thực hóa.Các nhà sản xuất, cung cấp đầu vào, đầu nậu, các nhà chế biến và XK Việt Nam đều tham gia vào chuỗi giá trị, nhưng ưu thế quản lý những chuỗi này lại nằm ở nơi khác, đó là các cơ quan quản lý, khách hàng và các tổ chức hỗ trợ người tiêu dùng ở các nước NK. Khi các tiêu chuẩn kỹ thuật và phi kỹ thuật ngày càng gia tăng về số lượng thì các đối tượng có khả năng kiểm soát các tiêu chuẩn này sẽ chiếm phần lớn các thị trường béo bở và bỏ lại những thị trường kém hơn (kể cả các thị trường nội địa ở Việt Nam) cho những người yếu kém hơn.
Vậy liệu các DN quy mô nhỏ có thể tồn tại được không khi thị trường thế giới ngày càng có xu hướng đưa ra và áp đặt những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về VSATTP và quản lý môi trường? Những xu hướng này sẽ dẫn đến sự sáp nhập trong ngành chế biến tôm, vì các nhà chế biến nhỏ thường không đủ khả năng nâng cấp đầy đủ các kỹ năng tiếp thị và công nghệ của họ.
Cuộc chạy đua về đạo đức do nhiều đối tượng sắp đặt đang tạo nên những điều mà các quá trình toàn cầu hóa tác động đến ngành sản xuất và tiêu thụ tôm. Một mặt là quyền được tiêu dùng sản phẩm có chứng nhận và an toàn của vùng công nghiệp phương Bắc, mặt khác là quyền mưu sinh của các nhà sản xuất quy mô nhỏ của vùng đang phát triển phương nam.
Người tiêu dùng giàu có ở phương Bắc có thể được lợi từ việc tăng cường tổ chức liên kết dọc và việc quản lý các chuỗi giá trị tôm. Họ yêu cầu những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe nhằm đảm bảo ATTP và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như tăng cường trách nhiệm xã hội và môi trường. Nhưng thật mỉa mai cho những nỗ lực này là các nhà sản xuất và các DN nhỏ đang có xu hướng trở nên mong manh hơn trong quá trình ấy.
 
Người đăng: Bích Thủy
Nguồn tin: Vietfish
  •  
 

Phân loại tin: