Các hình thức liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Đâu là hình thức liên kết hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ cá tra để hướng đến một nền sản xuất bền vững?
Mất cân đối cung cầu, xung đột lợi ích giữa các bên tham gia trong chuỗi  ngành  hàng,  không  có thương hiệu, cạnh tranh không lành mạnh  trong mua bán,… đó là những nguy cơ tiềm ẩn đối với một nền sản xuất bền vững. Từ lâu, người ta đã xem “liên kết” là giải pháp cho tình trạng này. Tuy nhiên hình thức liên kết nào cho hiệu quả cao nhất và quá trình hiện thực hóa sự liên kết ấy vẫn còn là một thách thức.

Liên kết để sản xuất tiêu thụ sản phẩm với qui mô lớn bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào, kể cả cá tra, đều có nhiều lợi ích hơn so với nền sản xuất với qui mô nhỏ lẻ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng và là hướng đi tất yếu trong hiện tại và lâu dài cho phát triển bền vững chuỗi ngành hàng. Quan hệ liên kết có thể thể hiện dưới 4 hình thức.

Liên kết ngang
Liên kết giữa các thành viên ở cùng 1 cấp trong chuỗi sản xuất. Chẳng  hạn  nông  dân  liên  kết trong những câu lạc bộ tổ hợp tác, hợp tác xã... Qui mô sản xuất lớn hơn, chất lượng sản phẩm đồng nhất, chi phí đầu vào thấp hơn do được hợp đồng trực tiếp với công ty cung cấp nguyên liệu với số lượng lớn, có chiết khấu cao, được công ty chế biến tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra, được cung cấp thông tin kịp thời,… đó là những lợi ích mà hình thức liên kết ngang mang lại.

Liên kết ngang ở quy mô lớn hơn là hình thức hiệp hội nông dân tỉnh, liên minh hợp tác xã…. Mục đích của hình thức liên kết này chủ yếu nhằm hỗ trợ về chính sách, tài chính, nghiên cứu thị trường, thống kê, dự báo, hướng dẫn, đào tạo và huấn luyện nâng cao  năng  lực  cho  các  tổ  chức thành viên.

Ở quy mô toàn quốc cũng có thể hình thành những tổ chức liên kết cấp vĩ mô, như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA),… . Các tổ chức này tập trung vào hoạt động cầu nối với cơ quan chính phủ, đối thoại với chính phủ trong xây dựng chính sách, bảo vệ quyền lợi hội viên; đào tạo, tư vấn và huấn luyện nâng cao năng lực cho các thành viên của mình; tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược trong nước và quốc tế; thu thập, phân tích và cung cấp thông tin thị trường, công nghệ và tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.

Liên kết dọc
Liên kết dọc là liên kết giữa hai hay nhiều thành viên tham gia chuỗi sản xuất ở các cấp khác nhau (giữa các khâu trong chuỗi giá trị) thông qua các hợp đồng được đảm bảo bởi pháp luật, như liên kết giữa nhà cung cấp đầu vào với người sản xuất, liên kết giữa nhà sản xuất nguyên liệu với công ty chế biến,...

Với đặc điểm quản lý chuỗi từ đầu vào cho tới đầu ra với qui trình khép kín, liên kết dọc giúp kiểm soát được chi phí, chất lượng sản phẩm tốt và đồng đều, ổn định được giá đầu ra và cân đối cung cầu. Đặc biệt, các thành viên tham gia trong liên kết dọc có cùng tiếng nói và trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng, do đó dễ dàng chia sẻ thông tin, thông qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng.

Liên kết “nhiều nhà”
Theo cách tiếp cận chuỗi giá trị, để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm thì ngoài liên kết ngang và liên kết dọc được đề cập ở trên còn có sự hỗ trợ riêng lẻ cho từng tác nhân trong chuỗi như về kỹ thuật từ các Viện, Trường, cán bộ khuyến nông, công ty cung ứng vật tư đầu vào, công ty chế biến về  xúc  tiến  thương  mại,  kiểm soát thị trường và chất lượng; hoặc ngân hàng hỗ trợ về vỗn cho cho toàn chuỗi, chính sách từ chính quyền địa phương các cấp,… Đây là mối liên kết “nhiều nhà”, một đảm bảo cao hơn cho sự  phát triển bền vững chuỗi ngành hàng.

Liên kết khu vực
Liên kết vùng giữa các nhà sản xuất cùng ngành hàng trong cùng khu vực địa lý được hình thành nhằm cân bằng cung-cầu sản phẩm trên thị trường, tránh khủng hoảng “thừa – thiếu” sản phẩm, dự báo thị trường tốt hơn thông qua qui hoạch sản xuất bảo đảm cân đối cung-cầu, ổn định chi phí và giá, tạo dựng thương hiệu, đặc biệt là sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực…

Trong quan hệ liên kết vùng, cần có những thành viên đóng vai trò chủ đạo để hướng sản phẩm của vùng đáp ứng nhu cần của thị trường tốt hơn và kịp thời hơn thông qua dự báo thị trường và quản lý tầm vĩ mô hợp lý và hiệu quả. Liên kết vùng tốt phải dựa trên cơ sở của các tổ chức liên kết ngang, liên kết dọc và liên kết “nhiều nhà”.

Không một mô hình liên kết riêng lẻ nào cho kết quả tối ưu trong mọi hoàn cảnh. Trong sản xuất, tùy theo tình hình thực tế mà có sự phối hợp giữa các mô hình với nhau để bổ sung, hỗ trợ cho nhau, đảm bảo hài hòa lợi ích cho tất cả các bên tham gia trong chuỗi. Đây chính là một trong những xu hướng trong tương lai để hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

 
Nghề nghêu Bến Tre - một mẫu liên kết thành công - ảnh: TTP

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra
Hiện  tại,  hơn  95%  cá  tra nguyên liệu được người nuôi bán trực tiếp cho công ty chế biến. Tuy nhiên trong thời gian qua mối lên kết giữa người nuôi cá với qui mô nhỏ lẻ và công ty còn gặp nhiều trở ngại với lý do là chưa chuẩn bị tốt các điều kiện cần và đủ để tạo ra các liên kết bền vững. Đặc biệt là thiếu liên kết vùng để qui hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra hiệu quả, thiếu dự báo thị trường và quản lý cấp vĩ mô hoặc cấp vùng về con giống, …hàng…Những lý do trên dẫn đến người nuôi cá lẻ dễ dàng bị thua lỗ và treo ao. Vì vậy, người nuôi cá với qui mô nhỏ rất khó tồn tại lâu dài vì tính kém bền vững của nó.

Ngoài ra, nuôi cá đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, bền vững quốc tế, bảo đảm chất lượng, thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội, ...đang  là xu hướng tất yếu đã, đang và sẽ ngày cang phổ biến, thậm chí mang tính bắt buộc, sẽ là thách thức lớn đối với sự tồn tại của các mô hình nuôi cá tra nhỏ lẻ. Họ bị giới hạn vì rất nhiều yếu tố, như diện tích nuôi, nguồn lực tài chính, kỹ thuật nuôi, quy mô sản lượng, …

Theo thống kê, các công ty chế biến đã tự chủ được 60-70% nguồn  cá  tra  nguyên  liệu  do công ty tự nuôi hoặc liên kết với người nuôi qui mô lớn. Phần còn lại được đáp ứng bởi người nuôi cá nhỏ lẻ. Người nuôi nhỏ lẻ chỉ được hưởng lợi khi nhu cầu cá nguyên liệu trên thị trường tăng, lúc này công ty thực hiện liên kết tốt hơn với họ. Ngược lại, khi thị trường “dội” (cung lớn hơn cầu) thì người nuôi cá nhỏ lẻ gặp rủi ro rất lớn, điển hình như cá quá cỡ, chất lượng thịt cá không đạt chất lượng bán với giá thấp hoặc không bán được, chi phí nuôi cao, khó tiếp cận vốn vay ngân Vì vậy, liên kết để tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn nhằm phát triển bền vững sản phẩm cá tra là hướng đi tất yếu trong hiện tại và lâu dài. Tuy nhiên, theo PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc, “quan hệ liên kết này chỉ thành công mỹ mãn khi có được dự báo thị trường tốt, quản lý vĩ mô tốt về con giống và nguyên liệu đầu vào cân đối cung cầu thị trường về số lượng và đảm bảo chất lượng. Ngoài những lý do trên, nếu liên kết không thành công thì vấn đề còn lại chính là “lòng người” giữa các đối tác trong liên kết”.
Đỗ Văn Thông (vietfish.org)

Phân loại tin: