Hội thảo khởi động Dự án 'Xây dựng chiến lược quản lý sản phẩm đánh bắt không mong muốn trong nghề lưới kéo đáy – REBYC 2-CTI

Quản lý nghề lưới kéo đáy theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sinh đã được thực hiện và khuyến khích thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.
 
Quản lý nghề lưới kéo đáy theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sinh đã được thực hiện và khuyến khích thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc thay đổi và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, giới thiệu và đưa vào áp dụng các biện pháp quản lý cho nghề cá thường gặp khó khăn bước đầu và đòi hỏi thời gian, kinh phí, nỗ lực xây dựng đồng thuận từ các bên tham gia. Bên cạnh đó, trong thời gian trước mắt việc áp dụng các biện pháp quản lý có thể có tác động tiêu cực đối với thu nhập của ngư dân, tuy nhiên, về lâu dài ngư dân sẽ nhận được lợi ích từ việc phục hồi nguồn lợi thông qua việc tăng sản lượng và giá trị sản lượng khai thác.
 
Ngày 20/6/2013, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Xây dựng chiến lược quản lý sản phẩm đánh bắt không mong muốn trong nghề lưới kéo đáy – REBYC 2-CTI”. Tham dự hội thảo có đại diện của một số đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Cà Mau và một số doanh nghiệp chế biến bột cá tại Kiên Giang.
Nghề lưới kéo đáy có vai trò quan trọng đối với khai thác hải sản trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là một số tỉnh ven biển khai thác hải sản ở vùng Vịnh Bắc Bộ, Đông và Tây Nam bộ như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Bạc Liêu, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận… và đặc biệt là Kiên Giang. Hiện tại, trên phạm vi toàn quốc có khoảng trên 21.500 phương tiện sử dụng lưới kéo (cả lưới kéo đơn và kéo đôi). Những tỉnh có số lượng tàu lưới kéo nhiều như: Kiên Giang (3.171 tàu), Bến Tre (2.686 tàu), Bà Rịa Vũng Tàu (2.024 tàu), Quảng Ngãi (1.560 tàu), Thanh Hóa (1.296 tàu) và Quảng Ninh (1.257 tàu). Hàng năm, sản lượng đánh bắt của nghề lưới kéo đáy đóng góp rất lớn trong cơ cấu sản lượng của toàn nghề cá, vì đây là ngư cụ có thể hoạt động quanh năm, trên nhiều ngư trường từ ven bờ đến xa bờ.
Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu đánh giá tác động của nghề lưới kéo đối với hệ sinh thái biển, nguồn lợi cho rằng đây là ngư cụ gây ra nhiều tác động tiêu cực như: phá hủy môi trường sống, phá hủy các rạn san hô và nguồn lợi hải sản, đặc biệt là các vùng nước ven bờ nơi được coi là những bãi đẻ, bãi cá con. Ngoài ra, lưới kéo là ngư cụ khai thác ít có tính chọn lọc, hầu hết các loài cá, thủy sinh khó có thể thoát khi bị lưới kéo quét qua và kích thước mắt lưới không có ý nghĩa nhiều đối với phản ứng chạy trốn của cá. Thực tế, nhiều quốc gia đã có quy định về việc hạn chế và cấm hẳn nghề lưới kéo hoạt động nhằm phục hồi nguồn lợi và hệ sinh thái biển.
 
 
Thực hiện việc tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử về đánh cá có trách nhiệm, việc ứng dụng các biện pháp quản lý như mùa vụ, khu vực cấm đối với lưới kéo, áp dụng các thiết bị giảm thiểu đánh bắt cá con, rùa biển… được khuyến khích áp dụng trên toàn thế giới. Dự án “Xây dựng chiến lược quản lý nhóm sản phẩm khai thác không mong muốn cho nghề lưới kéo đáy – REBYC” giai đoạn 1 được thực hiện trong 5 năm (2002 – 2008). Dự án (REBYC-1) đã được thực hiện thành công ở nhiều quốc gia như: Ca-me-run, Co-lôm-bi-a, Cốt-ta-ri-ca.Cuba, In-đô-nê-xi-a, Ni-rê-ri-a, Phi-líp-pin, Vê-nê-rê-la, Tờ -ri-ni-đát. Để tiếp tục nhân rộng ảnh hưởng của dự án này, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) cùng với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) đã hỗ trợ các quốc gia khu vực Đông Nam Á xây dựng và thực hiện dự án REBYC-2, bao gồm : Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Pa-pua- niu-gin-ni và Việt Nam. Dự án này được tập trung vào 4 hoạt động chính sau: (1): Xây dựng khung thể chế, chính sách cho quản lý sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo tôm tại Kiên Giang; (2) Xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo đáy;  (3) Quản lý thông tin và truyền thông về sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo đáy và (4) Quản lý kiến thức và nhận thức. Dự án nhằm tăng cường năng lực cho việc quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo theo hướng thân thiện với môi trường, nguồn lợi biển, giảm tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái thông qua cải thiện khung pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật, thông tin số liệu và nâng cao nhận thức.
Hội thảo bước đầu đã thống nhất về những tác động tiêu cực có thể do nghề lưới kéo đem lại đối với môi trường và nguồn lợi hải sản và xác định được những khó khăn có thể trong việc triển khai dự án như sự đồng thuận của ngư dân và các bên tham gia liên quan. Bên cạnh đó, thời gian đầu áp dụng các thiết bị thoát cá con có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập, doanh thu của cộng đồng. Cần thực hiện một số nghiên cứu, đánh giá tác động của việc áp dụng các thiết bị thoát cá con đối với sinh kế, sinh thái và kinh tế xã hội, nghiên cứu về chuỗi giá trị trong nghề lưới kéo… Hội thảo đồng thuận về việc thực hiện dự án tại Kiên Giang mang tính mô hình trình diễn, thí điểm để có căn cứ khoa học cho việc nhân rộng các biện pháp quản lý nghề lưới kéo đáy trên phạm vi toàn quốc và sự cần thiết phải quản lý nghề này để đạt được mục tiêu phát triển nghề cá theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và hội nhập quốc tế.
                                                                                                                    Nguyễn Bá Thông - FICen
 
 
 

Phân loại tin: